CHUYÊN TRANG TUYỂN SINH
alt

Đừng sợ lội ngược dòng


Ngày đăng: 29/11/2023

Từng học đại học, song Lâm Nguyễn Mỹ Hân (25 tuổi) và Trần Hồng Ân (22 tuổi) lại quyết định theo học trung cấp nghề và lạc quan, kiên định với con đường đã chọn.

 Lâm Nguyễn Mỹ Hân (trái) và Trần Hồng Ân vừa được tuyên dương “Học sinh 3 rèn luyện” cấp TP.HCM năm 2023 - Ảnh: NVCC Lâm Nguyễn Mỹ Hân (trái) và Trần Hồng Ân vừa được tuyên dương “Học sinh 3 rèn luyện” cấp TP.HCM năm 2023 - Ảnh: NVCC

Lâm Nguyễn Mỹ Hân (trái) và Trần Hồng Ân vừa được tuyên dương “Học sinh 3 rèn luyện” cấp TP.HCM năm 2023 - Ảnh: NVCC

Mỹ Hân đã tốt nghiệp đại học dù hành trình khá thăng trầm cả biến cố gia đình lẫn ảnh hưởng của dịch COVID-19 và hiện đang học nghề hướng dẫn viên du lịch. Trong khi Hồng Ân đã chủ động rời bỏ giảng đường chuyển qua học nghề "vì đó mới là thế mạnh thực sự của mình".

Tuổi Trẻ vừa có một bàn tròn nhỏ với hai cô gái gen Z này sau khi được tuyên dương danh hiệu "Học sinh 3 rèn luyện" của TP.HCM với nhiều kết quả nổi bật dành cho học sinh trung cấp nghề năm 2023.

"Chỉ chính bản thân mỗi người khi lắng nghe thật kỹ mới biết đâu là con đường mình muốn thay vì cứ đi theo con đường mà mọi người cho là đúng hay nên đi mới tốt"  LÂM NGUYỄN MỸ HÂN

Trải nghiệm mới mẻ và thực tế

* Cơ duyên nào lại đưa bạn từ trường đại học đến với trường nghề?

- MỸ HÂN: Có nhiều biến cố với tôi trên hành trình đại học. Tôi đã tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Ý Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhưng sau đó quyết định theo học hướng dẫn viên du lịch tại Trường trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist. Tôi nhận ra đam mê được đi đây đó, trải nghiệm thực tế hơn là công việc ở văn phòng với tấm bằng đại học truyền thống.

- HỒNG ÂN: Trước khi chuyển sang học nghề, tôi đã học năm thứ ba ngành công nghệ sinh học Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Tôi nhận ra mình không phù hợp với ngành học này nhưng còn chút hoài nghi về lựa chọn rẽ hướng và tự hỏi nếu chuyển trường có quá phí thời gian học đại học không?

Tôi băn khoăn liệu chuyển từ đại học qua trung cấp có làm giới hạn cơ hội việc làm và tương lai cho mình? Nhưng tôi đã lắng nghe bản thân, tĩnh lại, nhận ra mình rất thích lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và quyết định rời bỏ giảng đường.

* Có gian nan không để thuyết phục gia đình với quyết định có khi bị cho là ngược đời như thế?

- HỒNG ÂN: Lúc đầu gia đình phản đối rất nhiều vì mình đã học đại học một thời gian và mọi thứ vẫn ổn. Việc rời bỏ chuyển qua học trung cấp nghề lại là câu chuyện khác. Đúng là khoảng thời gian thuyết phục cha mẹ, chúng tôi đã có xung đột, tranh cãi nảy lửa và cả nước mắt.

Chính ba là người nhận ra thế mạnh và đam mê của tôi. Ba về phe tôi cùng thuyết phục mẹ. Cuối cùng chính ba mẹ đã tìm và chọn trường nghề đăng ký cho tôi học.

- MỸ HÂN: May mắn dù là con một nhưng mẹ rất cởi mở với những quyết định, lựa chọn của mình trong cuộc sống. Mẹ chỉ nhắc mình khi đưa ra bất kỳ quyết định nào phải luôn có trách nhiệm, cố gắng hết sức để kết quả có thế nào cũng không hối tiếc.

Hãy tin vào chính mình

* Vấn đề là suy nghĩ đại học là con đường duy nhất vào đời và giúp một người trẻ thành công vẫn còn chi phối cách nghĩ của xã hội khá nhiều?

- MỸ HÂN: Vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh, câu chuyện và có những bạn vì nhiều lý do khác nhau mà không thể tiếp tục theo đuổi con đường học thuật. Xét cho cùng dù đại học, cao đẳng hay trung cấp, trường nghề, chúng ta đều mong được học, trải nghiệm thực tế và làm việc ở môi trường mình đam mê. Với tôi, mỗi người sinh ra trên đời đều mang một sứ mệnh riêng.

- HỒNG ÂN: Có nhiều cách đi đến thành công mà mỗi người sẽ có lựa chọn khác nhau, càng không nên để bản thân bị áp lực đồng trang lứa. Điều quan trọng là mỗi người trẻ cần tận dụng được thế mạnh của bản thân. Dù bất cứ môi trường nào cũng cần đặt cái tâm, nhiệt huyết vào việc mình làm, có lộ trình cụ thể cho những mục tiêu đặt ra. Với mình, đó là cách vươn lên, đi đến thành công và chạm được ước mơ dù bạn có học hay làm gì đi nữa.

* Bạn khá nổi trội về ngoại ngữ trong khi với không ít bạn tre thì đây lại là rào cản. Bạn chia sẻ gì với các bạn khác?

- HỒNG ÂN: Ngoại ngữ không còn là điểm cộng mà trở thành kỹ năng cơ bản. Các bạn trẻ gen Z hiện nay rất giỏi, vốn tiếng Anh và khả năng giao tiếp rất tốt để sẵn sàng hội nhập. Kỹ năng này tốt cũng giúp hồ sơ cá nhân của mỗi bạn đặc biệt hơn so với ứng viên khác. Nên ngoài tiếng Anh hiện mình cũng đang học thêm tiếng Tây Ban Nha.

- MỸ HÂN: Xu hướng chung hiện nay các bạn trẻ sẽ đầu tư học ngoại ngữ. Kỹ năng này mở ra nhiều cơ hội làm việc tại các công ty nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia. Ấy cũng có thể là cơ hội để bạn đặt chân đến những vùng đất mới, khám phá bao điều hay còn chờ đón bạn phía trước hoặc xây dựng những mối quan hệ với bạn bè quốc tế. Tôi chọn ngành ngôn ngữ Ý rồi cả tiếng Anh cũng không ngoài xu thế đó.

Học cách hiểu bản thân

Hồng Ân không chỉ suy nghĩ nghiêm túc mà còn đề ra lộ trình rõ ràng, đánh giá thế mạnh và điểm yếu của bản thân, cả cơ hội và khó khăn trong lĩnh vực muốn theo đuổi. Chính lộ trình này giúp bạn nhìn rõ hướng đi, biết mình cần làm gì để đạt mục tiêu khi thuyết phục ba mẹ.

Quyết định lội ngược dòng, Ân dành một khoảng tĩnh lặng cho riêng mình để cân nhắc, phân tích đa chiều đã phần nào giúp bạn vượt qua cảm giác sợ hãi về sự mơ hồ trước một lựa chọn mới.

Ân cho biết đã sử dụng một mô hình phổ biến (SWOT) để phân tích, cho bạn nhận ra cần chú trọng phát triển và xây dựng điểm nào, đâu là việc phải khắc phục.

"Khi cần thuyết phục người khác, việc có góc nhìn đa chiều sẽ cho chúng ta thấy thực tế hơn thay vì quá mơ mộng, chỉ tập trung vào điểm mạnh hay cái lợi trước mắt. Mà các phụ huynh thường rất thực tế và muốn nhìn thấy một bức tranh toàn diện để có thể tin tưởng, ủng hộ con cái", Ân phân tích.

Theo Báo tuổi trẻ Online